Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin”

Nguồn: VnEconomy
Không ồn ào theo kiểu “gây sốc” song những phát biểu của ông đã nghe rồi, đọc lại vẫn thú vị. Một phần, ở sự thể hiện, và quan trọng hơn là ở sự phát hiện.
Khi Quốc hội khóa 13 đang sôi nổi thảo luận các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Chính phủ trình, ông vẫn tiếp tục băn khoăn vì chưa nhìn thấy sự đầu tư đúng mức đối với vấn đề văn hóa, xã hội và đời sống. Điều mà đã từng được ông nhìn nhận như là hạn chế trong điều hành của Chính phủ.
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12, khi thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ông đã nói: “Khi chúng ta gặp khủng hoảng về kinh tế, chúng ta có thể đầu tư để kích cầu về kinh tế, nhưng tôi chưa thấy Chính phủ kích cầu về niềm tin, về đời sống xã hội, văn hóa. Tôi cho đó là điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo”.
Đến kỳ họp này, phát biểu của ông trước diễn đàn Quốc hội vẫn thể hiện tâm tư về câu chuyện này.
Xin chào nhà sử học Dương Trung Quốc. Báo cáo đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới trình Quốc hội đã “đậm đà” về văn hóa, xã hội như ông mong đợi chưa ạ?
Có lẽ Chính phủ cũng phải tập trung quá nhiều vào việc ứng phó kinh tế, điều đó chúng ta phải có sự chia sẻ.
Nhưng cái quan trọng nhất là niềm tin của dân, nếu người dân có tin thì vẫn tin một cách rất cảm tính, cơ sở để người dân có niềm tin thực sự chưa nhiều. Tôi có cảm giác hình như Chính phủ chưa chia sẻ nhiều với dân, chưa làm tốt việc tranh thủ ý kiến của dân.
Ví dụ, gần đây Chính phủ đã nói nhiều đến việc tập hợp chuyên gia để tham khảo những ý kiến khác nhau, nhưng từ tham khảo đến thực hiện tôi cho vẫn còn khoảng cách rất lớn. Tuy nhiên mình cũng hiểu là Chính phủ phải chịu trách nhiệm, quyết định tất cả nhưng vẫn cần tranh thủ nhiều hơn nữa, vì nguồn lực trong dân còn rất nhiều.
Nguồn lực kinh tế thì Chính phủ quan tâm, nhưng nguồn lực trí tuệ thì chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi cũng là người tiếp xúc khá nhiều với các vị lão thành trong lĩnh vực kinh tế, các vị cũng nói là những điều đóng góp chưa được thể hiện nhiều trong thực tiễn đời sống. Mặc dù mình hiểu Chính phủ phải có bản lĩnh của mình, quan điểm của mình, mình rất tôn trọng việc đó, nhưng vẫn cần để dân chia sẻ nhiều hơn.
Thưa ông, xin phép được tranh luận một chút…
Để mình nói tiếp đã nhé, trở lại một vấn đề cũ thôi, cũ nhưng vẫn là mới.
Đó là việc đề cập đến hiện tượng “tụ tập đông người” mà chủ yếu mới thấy một chiều là dân bị lợi dụng, điều đó tôi e rằng sẽ dẫn đến nhận thức không đúng đắn. Phải coi đó là hiện tượng mới nảy sinh trong thực tiễn đời sống và phải tỉnh táo nhìn nhận nó.
Cách đây hơn một thập kỷ chúng ta đã chứng kiến việc nông dân ở Thái Bình biểu tình, con mắt ban đầu chúng ta cũng nhìn ra như một hình thức bạo loạn. Nhưng tôi nhớ hồi đó các nhà lãnh đạo đã rất sáng suốt tiếp cận với thực tiễn, đến tận với dân, đi vào tận cả những nơi tưởng như hiểm nguy nhất, và nhận ra rằng có cả hai mặt, để rồi chúng ta trừng trị những kẻ quá khích, những kẻ xúi giục, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy những tác động của nó như tham gia đóng góp vào công bằng xã hội hay chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương.
Nhưng với những hiện tượng xảy ra gần đây, tôi thấy chúng ta còn lúng túng, lúng túng ở lập pháp, lẫn hành pháp.
Tôi nhắc lại là chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận biểu tình như là một hiện tượng mới và tôi tin rằng nó sẽ còn phát triển trong bối cảnh đời sống ngày càng phát triển hiện nay. Nếu ta không chủ động nhìn nhận trước, phân tích nó và đưa ra những hệ thống pháp lý thích hợp cùng với tổ chức toàn bộ đời sống xã hội thì chúng ta sẽ càng lúng túng, và đó có thể là lúc những kẻ xấu lợi dụng.
Tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết không phải là bộ, ngành nào mà chính Thủ tướng đề xuất xây dựng Luật Biểu tình. Như vậy cũng có thể thấy Chính phủ đã lắng nghe ý kiến đại biểu và chủ động ứng phó?
Bản thân tôi cũng thấy đó là đáng mừng, đương nhiên người ta cũng nói là nếu Chính phủ làm luật thì có thể dẫn đến thiên về lợi ích của nhà quản lý hơn là những quyền của người dân. Cho nên tuy là Thủ tướng đề nghị xây dựng luật nhưng đây chính là thử thách của Quốc hội, Quốc hội có chấp nhận hay không, vì quy trình phải qua Quốc hội. Quốc hội là tập hợp tiếng nói của rất nhiều lực lượng xã hội nhưng quan trọng là anh có đủ bản lĩnh để điều chỉnh dự thảo luật được không, tôi cho là không cần e ngại điều đó.
Ở hoàn cảnh hiện nay, khi mà như ông nói, Chính phủ đang phải dồn lực cho các vấn đề kinh tế thì có thể sự “kích cầu” niềm tin chưa rõ nét. Nhưng nếu đây là “điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo” như ông đã phát biểu thì liệu ông có thể “hiến kế” cho Chính phủ?
“Kích cầu” niềm tin chính là quan tâm đến dân, tạo niềm tin cho dân bằng chính hành động gương mẫu của những người lãnh đạo.
Tôi luôn luôn liên tưởng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất nhiên mọi sự liên tưởng đều có thể khập khiễng, nhưng lúc đó người dân ghé vai giải quyết được rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội.
Hiện nay chúng ta thấy Chính phủ có lúc làm được, nhưng về căn bản mà nói dường như đấy chưa là chiến lược, là nguyên lý hoạt động, cho nên mới xảy ra nghịch lý là hình như lúc nào đất nước khó khăn thì quyền lực Chính phủ càng lớn, bởi vì vẫn là quan hệ xin – cho.
Vừa rồi thì Chính phủ có trình ra Quốc hội cả kế hoạch năm 2012 và 5 năm tới song hầu như tôi không tìm thấy giải pháp “kích cầu” niềm tin đâu cả.
Các báo cáo của Chính phủ năm nào cũng như năm đấy, nó rất dàn trải bằng các mục tiêu và không biết thực hiện đến đâu. Và tôi còn đặt câu hỏi rất lớn là định lượng không ai giám sát được, những con số là rất khó giám sát.
Tuy nhiên 6 tháng thì cũng  thời lượng chưa đủ dài để thay đổi về chất, nên theo tôi thì mỗi lần báo cáo nên tập trung vào một số điểm nào đó thôi và làm rõ được nó.
Tuy không có trong hệ thống chỉ tiêu được Chính phủ trình và Quốc hội quyết định hàng năm, song “chỉ tiêu niềm tin” gần đây được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến với sự quan ngại sâu sắc. Ông có chia sẻ?
Nói định lượng thì khó vì phải có phương pháp, còn nếu cảm nhận thì chúng tôi cũng cảm nhận là niềm tin bị hao hụt, mà điều này tôi nghe từ các nhà lão thành cách mạng. Đánh giá về niềm tin của người dân thì mỗi người đứng ở lợi ích khác nhau, nhưng điều tôi  muốn chia sẻ là cần làm cho người dân tin rằng là Chính phủ đã đưa ra chính sách gì là có thể thực thi được. Nhưng trên thực tế thì có nhiều chính sách có rồi mà có thực thi được đâu. Năng lực của nhà nước là quan trọng, mà chưa bao giờ  chúng ta có bộ máy nhà nước lớn như thế này, tất nhiên lớn có thể cồng kềnh và ít hiệu quả.
Tôi nói ngày xưa – tất nhiên nói ngày xưa thì khó so sánh – trong làng có ông lý trưởng, nếu dây điện đi qua làng thì sẽ tính trừ cho ông ấy bao nhiêu suất đinh hay bao nhiêu tiền thuế, còn nếu cái dây đó đứt hay bị ăn cắp thì ông lý trưởng đi tù đã. Do đó thì ông lý trưởng phải làm tất cả mọi chuyện, tất cả mối liên hệ nhà nước chỉ có một người thôi.
Trách nhiệm cá nhân rất quan trọng, nên đó là lý do tại sao tôi ủng hộ anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, không phải là việc làm cụ thể mà tôi ủng hộ cách làm của anh ấy là dám chịu trách nhiệm. Anh làm đúng thì mọi người sẽ đánh giá, còn anh làm sai anh phải chịu trách nhiệm, anh cách chức người ta đúng hay không thì anh phải chịu trách nhiệm, còn cái nguy hiểm nhất là lãnh đạo tập thể và hậu quả của tập thể, hòa cả làng.
Đương nhiên, càng ngày càng thấy Chính phủ mới là những người có tính chuyên nghiệp hơn. Nếu nhìn vào cả quá trình đào tạo và làm việc thì đã qua thời kỳ cán bộ chính trị chay rồi. Vấn đề còn lại cơ chế hoạt động thôi, mà yếu nhất vẫn là trách nhiệm cá nhân.
Mới qua thời gian rất ngắn nên cũng khó có thể đưa ra đánh giá về điều hành của Chính phủ, song tôi vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào sự điều hành của Chính phủ mới.
Vậy còn vai trò của Quốc hội thì sao, thưa ông?
Quốc hội chưa có gì thay đổi lớn về cơ chế, trừ một điều mà tôi rất muốn hy vọng là là ông Chủ tịch Quốc hội rất am hiểu Chính phủ, tôi đang quan sát xem ông ấy sẽ hành xử như thế nào, nhưng chưa có gì để nói cả vì vẫn còn mới mà.
Nguyên Thảo/VnEconomy

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

"Nói không" với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?

Đọc bài viết: “Nói không với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?” của tác giả Nguyễn Phương đăng trên (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn) và nhìn lại thực tế cuộc sống quanh ta, thật là một bài viết có nhiều điểm rất phù hợp với tình hình chung hiện nay. Xin đăng lại toàn bộ nội dung bài viết để cùng chia sẻ với mọi người.
Có phải vì hiện nay dân chúng kêu ca quá nhiều về các vấn nạn trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực do trình độ cán bộ quản lý yếu kém mà cần phải tìm cho được con dê tế thần: Đó là đào tạo dân lập và tại chức, để đổ thừa cho nó những yếu kém của hệ thống?
Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định "Hà nội không nói 'không' với tại chức, dân lập". Đúng là Thủ đô, tầm nhìn cũng có khác. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà ông lại lên tiếng. Chắc hẳn đã có ý kiến như vậy trong giới cán bộ quản lý của Hà Nội.
Thời gian sẽ là kẻ vặt lông vịt
Người dân cả nước không khỏi nghĩ ngoài Hà Nội ra, còn một số địa phương khác vẫn quẩn quanh với những chủ trương vụn vặt, đậm đà bản sắc tiểu nông hẹp hòi và thiếu dân chủ của kiểu "Đêm trước đổi mới".
Đặt ra vấn đề trên cho thấy trong hàng ngũ cán bộ quản lý của nhiều địa phương, vẫn còn những cái đầu nặng "não trạng" của thời bao cấp.
Nếu ai chủ trương như thế thì rõ ràng là vi phạm luật một cách tùy tiện và không tôn trọng luật "fair-play". Nếu cuộc đua mà ngay từ đầu, đã gạt một bên ra, để chỉ có một bên thì còn gì là cuộc đua, còn gì nữa để lựa chọn?
Tại Hà Nội, có người bảo ý kiến như thế là từ các nhà quản lý Hà Nội mới. Dù là mới hay cũ thì vẫn là Hà Nội, "trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế ... của cả nước". Có lẽ chính vì thế nên mới có lời cải chính, điều chỉnh của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Chất lượng cán bộ không hoàn toàn phụ thuộc vào loại hình đào tạo. Không thể khái quát hóa đơn giản rằng loại trường này tốt hơn loại kia. Năng lực cá nhân người học mới là yếu tố quyết định.
Các trường "quốc doanh" (tôi ưa dùng từ này) đã được báo chí và tự thân "vinh danh" nhiều rồi. Thiết nghĩ không cần phải nói thêm trong bài viết này.
Đào tạo "dân lập" ra đời khi hệ thống đào tạo công lập không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của xã hội. Còn đào tạo tại chức nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Nói một cách vắn tắt, từ "dân lập" chẳng qua là một uyển ngữ ra đời khi cơ chế chính trị- kinh tế chưa cho phép gọi đích danh nó. Nhớ lại năm trường ĐH dân lập đầu tiên ra đời, báo chí phương Tây thường gọi nó là loại trường "non-state institution", có thể hiểu là phi quốc doanh.
Ở một nước mà nhiều thập niên thuộc về cơ chế bao cấp, với mô hình trường quốc doanh thì sự chấp nhận cái phi quốc doanh không phải là sự dễ. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, chuyện đó lại là chuyện bình thường. Ta không nên quên rằng tại những nước có các trường ĐH nằm trong top-10, có nhiều trường là trường tư và có nhiều người tài từ những trường này ra. Mọi sự so sánh thường khập khiễng, nhưng nó vẫn cho ta thông tin nhất định theo một quy chiếu nào đó.
Không phải cứ sinh viên quốc doanh là tốt, không phải cứ sinh viên dân lập, tại chức là kém. Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, mỗi năm một trường "quốc doanh" chỉ được quy định tuyển số lượng sinh viên nhất định phù hợp với ngân sách nhà nước cấp cho. Do vậy, giữa thí sinh trượt và đỗ chỉ chênh nhau ¼ hoặc ½ điểm vì chỉ tiêu khống chế. Trên một bài thi cụ thể, người kém nửa điểm hoặc 1 điểm chưa chắc đã kém người hơn nửa điểm hoặc một điểm về trí lực và khả năng học tập, vì có vô vàn yếu tố khác nhau và cả sự may rủi trong cách tuyển sinh ĐH lâu nay.
Song, cũng cần phải nghiêm túc quan tâm đến hiện tượng gần đây Việt Nam được mùa trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn thấp. Tuy là trường dân lập, nhưng chắc chắn người cấp phép không thể là dân.
Một số trường có thể đã đặt lợi nhuận chứ không phải chất lượng đào tạo lên đầu, nhưng không phải tất cả các trường đều làm như vậy. Thời gian sẽ là kẻ vặt lông vịt.
Bằng cấp và thực lực
Chúng ta phải hiểu thế nào đây khi một số tỉnh thành gần đây đưa ra những đề xuất chẳng giống ai. Kiểu như nói 'không' với dân lập và tại chức.
Có phải vì hiện nay dân chúng kêu ca quá nhiều về các vấn nạn trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực do trình độ cán bộ quản lý yếu kém mà cần phải tìm cho được con dê tế thần: Đó là đào tạo dân lập và tại chức, để đổ thừa cho nó những yếu kém của hệ thống?
Những ý nghĩ hẹp hòi thiếu công bằng này cần được xã hội chấn chỉnh và kiểm soát.
Đã có quá nhiều dẫn chứng trong thực tế về sự khập khiễng giữa bằng cấp và năng lực thực ở xã hội Việt Nam hiện đại, đến nỗi một PTS tốt nghiệp bằng đỏ Đông Âu đã "Sợ đọc luận án PTS của chính mình" nên đã xin thà làm viên gạch lát đường cho bà con đi gánh lúa còn hơn ghi tên trên bia đá.
Trong quá trình làm việc và tiếp xúc, tôi biết có những sinh viên tốt nghiệp ĐH dân lập, ví dụ như ĐH Thăng Long, làm việc rất hiệu quả, thành công và được trọng dụng do khả năng của họ trong cơ quan Nhà nước.
Hay công ty nước ngoài như Microsoft VietNam, Citibank ... Theo chỗ tôi được biết, tại Microsoft VietNam, Citibank, Intel, SAT, ... đều có khá nhiều sinh viên dân lập làm việc, vậy chắc những cơ quan này đều kém?
Khi còn làm việc, tôi có những đồng nghiệp dân lập và chuyên ngành hai, tại chức lại làm việc tử tế, nghiêm túc và hiệu quả hơn một số cán bộ quốc doanh, những người thường tự cậy mình là là con đẻnên đánh mất động cơ tự làm mình tốt hơn. Tôi có cả sinh viên quốc doanh và sinh viên dân lập và thấy ở loại trường nào cũng có các cá nhân sinh viên giỏi hay kém như nhau theo cùng một thước đo.
Tuyển người bằng thước đo chẳng giống ai
Người viết bài từng chứng kiến đôi lần người ta tuyển công chức làm giáo viên ra sao rồi. Lẽ thường, ai được đồng nghiệp và sinh viên đánh giá cao về nghiệp vụ và chuyên môn sẽ trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức.
Ai cũng tưởng vậy, nhưng trớ trêu thay, họ trượt không được làm giáo viên lại không phải vì chuyên môn hay kỹ năng sư phạm, mà chỉ vì những câu hỏi vu vơ chẳng phục vụ gì cho chuyên môn hay nghề nghiệp. Vì họ đã thật thà và tự tin mà quên "chạy" người ra câu hỏi.
Cái thước đo tuyển người hiện nay của ta chẳng giống của ai. Thực tế nó đã loại những người có khả năng và tuyển những kẻ kém năng lực nhưng giỏi bôi mỡ vào tay cấp trên, bất kể đó là kẻ được quốc doanh hay dân lập đào tạo.
Đó chính là một mắt xích trong cái vòng luẩn quẩn khiến họ hành dân để "thu hồi vốn".
Người ta cứ kêu hoài về chuyện "chảy máu chất xám" nhưng đã bao giờ tự hỏi mình một câu nghiêm túc: "Thực lòng ta có cần chất xám không?" Có lẽ những người giỏi giang tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài đã tự nguyện ở lại, thậm chí nhập quốc tịch nước sở tại để cho bọn tư bản đế quốc bóc lột đã giải được câu hỏi này rồi.
Hãy xem người nước ngoài tuyển chất xám của Việt Nam thì biết. Người ta chẳng quan tâm mấy đến cái bằng ĐH hay sau ĐH của ta - dù quốc doanh hay dân lập - mà chỉ quan tâm đến con người cụ thể có làm được việc, có khả năng hợp tác với người khác hay không. Và đặc biệt có nhân cách đàng hoàng hay không. Vì thế, không phải vô cớ mà người ta hay phỏng vấn trực tiếp ứng viên xin việc.
Cần thay đổi não trạng
Sau mấy chục năm bao cấp, não trạng "quốc doanh" đã hằn sâu vào đầu không ít người. Đã qua rồi cái thời của tư duy khái quát hóa một cách thô thiển rằng cứ quốc doanh là ắt phải tốt! Hãy nhìn các doanh nghiệp quốc doanh đang làm ăn ra sao thì rõ. Nó là hình ảnh dại diện cho nhiều ngành.
Không phải cứ sinh viên quốc doanh là tốt, không phải cứ sinh viên dân lập, tại chức là kém.
Giỏi hay kém chủ yếu phụ thuộc tố chất và nỗ lực của từng cá nhân, chứ không phụ thuộc nhiều vào loại hình đào tạo, không phụ thuộc vào màu sắc tấm bằng - cái sự học là vậy.
Đừng vơ đũa cả nắm nếu thật lòng muốn tìm được người tử tế và có khả năng làm việc.

Tướng Lê Văn Cương bình về "Hiện tượng Đinh La Thăng"

Nguồn: Tuần Việt nam. Tác giả: HOÀNG HƯỜNG, 27/10/2011
Trong chiến trận có hai cách đánh: một là trực diện, hai là vu hồi, tức là đánh vòng quanh. Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi. Trong cơ chế này, phương án vu hồi xem ra hiệu quả hơn, từng khâu một, chậm mà chắc - Thiếu tướng Lê Văn Cương khuyên.
Bộ trường Bộ giao thông Đinh La Thăng có thể đang là người xứng đáng nhận được danh hiệu: Bộ trưởng nổi tiếng trong thời gian ngắn nhất. Hàng loạt động thái của ông, cũng như một loạt văn bản, kiến nghị ông vừa ban hành đang gây chú ý. Kẻ khen, người chê.
Để mong giúp Bộ trưởng Thăng có điều kiện soi chiếu về những động thái của mình, cũng như xã hội có một tiếng nói khách quan về cá  nhân ông Thăng nói riêng và một vài vấn đề xã hội nói chung, Tuần Việt Nam trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.
Tỉnh táo và thực tế
Báo chí và dư luận đang được dịp ồn ào với 'hiện tượng Đinh La Thăng', hẳn thiếu tướng cũng biết. Ông có nhận định gì về tân Bộ trưởng Giao thông, cũng như một loạt động thái đang gây chú ý của ông ấy?
Trước hết, dù có nhiều luồng dư luận khác nhau về ông Thăng, nhưng quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ ông ấy.
Thứ nhất, trong điều kiện xã hội hiện nay còn nhiều bức bách, nhức nhối, chất chứa nhiều vấn đề bức xúc như hiện nay thì chuyện đồng chí Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng công khai thể hiện quan điểm và ý chí hành động ở một loạt vấn đề - tôi cho rằng - là những động thái tích cực. Nó khơi gợi và củng cố niềm tin vào bộ máy quản lý của Nhà nước. Dưới góc độ này tôi ủng hộ và mong muốn hơn 20 bộ trưởng còn lại cũng thể hiện như ông Thăng.
Thứ hai, 'hiện tượng Đinh La Thăng' chỉ ra rằng: không phải bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, xã hội đã tích dồn rất nhiều vấn đề bức xúc đến độ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những nhân tố mới, tích cực hơn nhằm tích cực tháo gỡ.
Về mặt khoa học, sự tích dồn khi đến một độ nào đó sẽ chuyển sang một trạng thái khác thì dù là một cá nhân đơn lẻ, vẫn có thể phản ánh xu hướng mới của một xã hội, cụ thể đây là Nhà nước Việt Nam, là nhận thức mới của Đảng. Điều này thể hiện rõ tại Hội nghị Trung ương Đảng III vừa rồi, đã thẳng thắn hơn trước và tiếp cận gần tới tinh thần của Đại hội 6 là nhìn thẳng vào sự thật; và lần đầu tiên tại Hội nghị TW Tổng bí thư phê phán lối 'tư duy nhiệm kỳ' và tệ 'lợi ích nhóm' trong bộ máy công quyền.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, những vấn đề ông Thăng nêu ra sẽ không thể đạt được nhanh chóng. Bởi lẽ, đến giờ phút này Đinh La Thăng chỉ là thiểu số. Hơn nữa cơ chế của ta đã trì trệ cả chục năm rồi, rất nặng nề níu kéo. Một người nổi lên khó mà lay chuyển được.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
Chúng ta ủng hộ ông Thăng, nhưng nên tỉnh táo và thực tế đánh giá tình hình. Nói cho cùng ông Thăng chỉ là một bộ trưởng, muốn hay không muốn bộ trưởng cũng chỉ có một số quyền hạn nhất định, rất nhiều vấn đề nằm ở chỗ khác; và ngay trong nội bộ Bộ giao thông.
Tôi ủng hộ ông Thăng. Tôi cũng chia sẻ những khó khăn của ông ấy. Ông ấy sẽ vấp rất nhiều cản trở. Muốn làm những điều tốt đẹp như ông ấy mong muốn là cả một chặng đường lâu dài, và là một quá trình đau đẻ rất nặng nề; nhưng dù sao đó cũng là những đột phá ban đầu, mở ra hy vọng mới cho một thời kỳ mới.
Không thể nào 'đẻ' mà không đau
Chính phủ vừa bắt đầu một nhiệm kỳ. Cùng với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Tài chính Vương Đinh Huệ với những quan điểm mạnh mẽ về nhóm lợi ích trong thị trường xăng dầu cũng làm người dân phấn chấn. Nhiều người gọi ông Thăng - Huệ là "thế hệ bộ trưởng mới" và kỳ vọng nhiều vào họ. Nhưng như ông vừa phân tích, những ông Thăng - Huệ liệu có vượt qua cơn 'đau đẻ' khó nhọc này?
Đúng là khi nhiệm kỳ này bắt đầu, ngoài hai ông Thăng - Huệ còn có một số bộ trưởng khác cũng được dư luận cho là có những dấu hiệu tích cực.
Cuộc sống luôn có những lối đi riêng không có lực lượng nào cản trở được. Những người này là những nhân tố mới, xu hướng mới, tư tưởng mới. Ở chừng mực nào đó có thể nói đây là những nhân cách mới. Nó báo hiệu rằng đã có sự chuyển mình sau Đại hội 11, rải rác từ những cá nhân, quá trình này sớm muộn cũng sẽ lan tỏa và trở thành phổ biến.
Trở lại những năm 1980s, trong bối cảnh bao cấp nặng nề, những đốm lửa như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của ông ấy. Không có quá trình 'đau đẻ' nào không đau đớn.
Tôi không dám so sánh ông Thăng - Huệ với những người như ông Kim Ngọc, nhưng dù sao họ cũng là những đốm lửa. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới với cái cũ, và sẽ còn kéo dài, theo tôi cũng phải mất 1 - 2 kỳ Đại hội Đảng chứ không thể diễn ra đơn giản trong 1 nhiệm kỳ.
Ông có thể nêu nhận xét thẳng thắn về những bộ trưởng trước, theo ông, phẩm chất cần có của một bộ trưởng trong thời điểm này là những gì?
Có thể tôi hơi cầu toàn, nhưng thật tình, đến trước Đại hội 11, không có một bộ trưởng nào để lại cho tôi một ấn tượng tích cực. Tôi không nói tất cả họ là yếu kém nhưng bảo  họ để lại ấn tượng tích cực thì tôi không yên tâm.
Bộ nào thì cuối năm tổng kết cũng hoan hô, "chúng ta tiến một bước", hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc. Bộ Giao thông cũng vậy. Các con đường thì vẫn thế, tai nạn giao thông vẫn thế, ùn tắc vẫn vậy, hết Văn Thánh 1 sang Văn Thánh 2 rồi đến đường sắt cao tốc... tổng kết lại gắn huy chương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đố ai tìm được một bộ nào tổng kết cuối năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Nhất thiết phải xuất hiện những con người phản ánh được những xu thế phản biện tích cực. Anh Huệ, anh Thăng cũng không phải những con người gì toàn diện, siêu việt ghê gớm nhưng họ phản ánh một xu thế mới tích cực.
Tôi tin dần dần chúng ta sẽ có những thế hệ bộ trưởng dám nói dám làm, với bàn tay sạch, trí tuệ cao; mà trí tuệ bộ trưởng không nằm ở chỗ ông ta giỏi chuyên môn thế nào, mà ông ta biết tập hợp những người tài giỏi trong bộ máy của mình. Nhìn vào đội ngũ cố vấn, cán bộ chuyên môn của các bộ trưởng có thể thấy được vận của đất nước.
Một người trợ lý của của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi: "Các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề: Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế; hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao; ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy; và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng"
Làm sao hơn 20 vị bộ trưởng, 63 vị bí thư tỉnh ủy của ta làm được những việc như thế.
Nếu tôi ở cương vị ông Đinh La Thăng...
Bên cạnh những lời khen ngợi, loạt động thái của Bộ trưởng Thăng: trảm tướng giữa công trường, bắt nhân viên đi xe buýt, đòi tiêu hủy xe đua, cấm xe cá nhân lưu hành... bị cho là "ngẫu hứng bộp chộp", "thích thể hiện". Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu chiến lược, ông hãy vạch giúp ông Thăng một lộ trình. Hay nói cách khác, nếu đặt ông vào cương vị ông Thăng hiện nay, ông sẽ làm những gì?
Trước đây cũng có một đồng chí ở địa phương lên phụ trách một bộ. Đây là một người có đầu óc, ông ta muốn cải cách những cái mới, tốt đẹp hơn. Tôi rất mừng, nhưng khi ông ngồi ghế bộ trưởng thì tôi nghĩ ngay ông ấy sẽ không thực hiện được những ý định tốt đẹp đó, thậm chí sẽ rơi vào cực đoan. Bộ máy trì trệ sẽ cản trở ông ấy trong việc thực hiện cải cách.
Hơn nữa, tôi không nói tất cả, nhưng những người như vậy dễ rơi vào cực đoan. Họ rất đáng quý trọng, nhưng mọi việc không thể sốt ruột giải quyết được theo kiểu " chiến dịch", "ra quân"... được.
Ở Việt Nam chỉ có thể tìm ra từng nút rối để gỡ chứ không thể rũ tung ra làm lại để trở thành một mớ rối hơn, trừ khi anh là Putin.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Nếu đặt tôi vào cương vị ông Thăng hiện nay, tôi phải đi tìm lời giải đáp cho 4 vấn đề sau: 1, Điểm "nghẽn" hay "nút thắt" của giao thông hiện nay nằm ở đâu. Nguyên nhân? Giải pháp? 2, Vì không thể có tiềm lực để cùng một lúc giải quyết mọi vấn đề nên phải xây dựng lộ trình và bước đi khả quan, hiệu quả. Tôi sẽ huy động mọi chuyên gia có tài ở trong và ngoài Bộ giao thông giúp tôi lý giải 2 vấn đề nêu trên. Đây là việc đầu tiên và quan trọng nhất Bộ trưởng Bộ Giao thông cần làm.
Tất cả các câu hỏi này đòi hỏi phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để tìm hiểu và giải quyết từng việc một.
Việt Nam đang thiếu nhất là trí tuệ chứ không phải là tiền, vì tiền ở trí tuệ mà ra. Anh Vương Đình Huệ dù có tâm huyết thật, thì anh ấy cũng đang ở giữa một cơ chế phức tạp rất khó giải quyết, mà Bộ trưởng Tài chính thì có được bao nhiêu quyền?
Trong chiến trận có hai cách đánh: một là trực diện, hai là vu hồi, tức là đánh vòng quanh. Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi. Trong cơ chế này, phương án vu hồi xem ra hiệu quả hơn, từng khâu một, chậm mà chắc.
Tôi đố ông Thăng giải quyết được vấn đề xe buýt trong ngày một ngày hai. Tôi cũng đố ông Thăng cấm được phương tiện cá nhân trong nhiệm kỳ của ông ấy. Chưa nói đó là quyết định cực đoan, chắc chắn bị xã hội bác bỏ như hàng loạt những kiến nghị kiểu ngày chẵn đi biển chẵn hay xe ngoại tỉnh không vào Hà Nội đã từng được đề cập trước đây.
Thành phố Hồ Chí Minh có 3414 xe buýt và hơn 5000 taxi cũng chỉ giải quyết được 4,5% lượng vận tải hành khách công cộng. Nếu cấm phương tiện cá nhân thì 95% dân TP HCM sẽ đi lại như thế nào? Ra lệnh cấm xe tư nhân thì dễ, nhưng sẽ bị xã hội bác bỏ.
Nếu không cẩn thận, ông Thăng sẽ rơi vào cái bẫy cực đoan do chính mình dựng lên.
Ở Việt Nam không làm cái gì nhanh được khi anh là thiểu số. Tôi đã nói với nhiều người: Việt Nam không  phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển.
Ông Huệ - Thăng phải biết rõ các ông ấy đang ở đâu, và văn phòng của các ông ấy không phải điện Kremlin hay Nhà Trắng.
Chắc vì thế có người đã nhắn nhủ đến bộ trưởng Đinh La Thăng câu: "Con đường dài nhất không phải từ Lạng Sơn đến Cà Mau, mà là từ mồm đến tay".
Câu đó đúng đấy. Tôi cũng xin nhắn tới ông Thăng một câu: "Trong cuộc đời, đôi khi đường thẳng lại là đường dài nhất, và đường vòng là đường ngắn nhất"
Xin cảm ơn thiếu tướng!

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Cần xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIII của bà Đặng Thị Hoàng Yến

Nguồn: Báo Cựu Chiến binh online ngày 22/07/2011
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, trong số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mới được bầu lần này, cử tri bức xúc và đặt nhiều nghi vấn đối với một vài trường hợp.
Báo CCB Việt Nam nhận được đơn kiến nghị của một số cán bộ có trách nhiệm ở tỉnh Long An đề nghị Quốc hội (QH) và các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, đại biểu Quốc hội khóa XIII
Tôi là đại biểu ở tỉnh Long An, làm đơn tố cáo gửi tới quý vị đề nghị QH khóa XIII bãi miễn ngay tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến vừa trúng cử QH khóa XIII tại tỉnh Long An. Vì bà Yến có nhân thân xấu, lai lịch không rõ ràng, nội dung như sau:
Thời gian gần đây dư luận cử tri ở tỉnh Long An chúng tôi rất bất bình khi bà Đặng Thị Hoàng Yến, là một chủ doanh nghiệp đang có nhiều vi phạm trước đây, chưa có kết luận của cơ quan pháp luật mà vẫn ngang nhiên ứng cử ĐBQH khóa XIII và đã trúng cử. Vậy bà Yến là ai và ai là người đứng đằng sau để bao che cho bà Yến?
Qua tìm hiểu bước đầu được biết, bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959, quê quán Đông Hải, Hải An, TP Hải Phòng, nơi đăng ký thường trú hiện nay tại phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Năm 1998, thành lập Công ty TNHH lấy tên là Hoàng Yến tại TP Hồ Chí Minh và kiêm chức Chủ tịch HĐQT công ty này.
Sau khi lập công ty, bà Yến không chịu kinh doanh theo đúng ngành nghề được ghi trong giấy phép, mà thành lập ngay một đường dây chạy thầu cho một số dự án điện do bà Yến cầm đầu, chuyên móc nối vào nội bộ của các cơ quan nhà nước để lấy cắp tài liệu bí mật nhà nước, cung cấp cho nhà thầu nước ngoài. Đường dây này hoạt động được một thời gian ngắn thì bị phát hiện trong vụ Đặng Thị Hoàng Yến lấy cắp tài liệu của Bộ Kế hoạch đầu tư cung cấp cho nhà thầu ADB để thắng thầu.
Ngày 2-3-1998, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Thị Hoàng Yến với tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt bí mật nhà nước trong việc đấu thầu dự án điện được quy định tại Điều 92, Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam nhưng bà Yến đã bỏ trốn sang Mỹ. Tại sao bà Yến trốn được sang Mỹ và lại được chính quyền Mỹ cho cư trú ngay là điều phải suy nghĩ, vì ai cũng biết vào Mỹ cư trú là cực kỳ khó khăn, chỉ những người thân cận với Mỹ mới được thuận lợi?
Qua tìm hiểu, tôi được biết quá trình lưu cư ở Mỹ, bà Yến có kết hôn với một người đàn ông tên là Jimmy Trần (là một phần tử bất hảo có quốc tịch Mỹ). Sau hơn 5 năm ở Mỹ, năm 2008, Jimmy Trần cùng bà Yến về Việt Nam sống ở TP Hồ Chí Minh và thành lập Công ty cổ phần và phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land), do Jimmy Trần làm Tổng giám đốc.
Chỉ trong vòng 2 năm 2008-2010 hoạt động tại Việt Nam, vợ chồng Đặng Thị Hoàng Yến đã thiết lập một đường dây chuyên chuyển tiền bất hợp pháp từ Mỹ về Việt Nam và ngược lại. Có tin bà Yến đã cùng Jimmy Trần chuyển về Mỹ hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay ông Jimmy Trần đã bỏ trốn về Mỹ. Cơ quan công an đã ra lệnh truy nã Jimmy Trần, còn bà Yến vẫn ở Việt Nam. Để hướng lái dư luận, bà Yến đã tung tin bà bị Jimmy Trần “lừa đảo” và sẽ ly hôn với Jimmy Trần. Dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi đằng sau cuộc tình duyên này vì họ đang làm ăn thịnh vượng bỗng dưng anh bỏ về Mỹ, chị ở lại tung tin là bỏ nhau (vợ chồng bà Yến sở hữu một biệt thự sang trọng gần biệt thự và trang trại của cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ ở Hu-xtơn).
Sau khi Jimmy Trần về Mỹ, bà Đặng Thị Hoàng Yến cùng với em trai là Đặng Thành Tâm tham gia điều hành Công ty cổ phần Tân Tạo tại TP Hồ Chí Minh và làm nhiều dự án ở Long An và các tỉnh miền Tây. Do làm ăn gian dối, bà Yến đang bị một công ty ở Long An khởi kiện. Một điều khiến dư luận đang xôn xao khi được tin bà Đặng Thị Hoàng Yến và em trai là Đặng Thành Tâm đều trúng ĐBQH. Gia đình này đại phúc, thật hiếm có. Nhưng dư luận thì cho rằng đất nước này đại họa vì một người có lai lịch xấu như chị em bà Yến, có chồng quốc tịch Mỹ đã chui vào được QH. Dư luận trong cán bộ đang đặt ra nhiều câu hỏi việc bà Yến vào QH có thể chứa đựng mưu đồ chính trị của nước ngoài. Vì sao bà Yến là kẻ phạm tội, khi từ Mỹ về lại không bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ và xử lý? Ngược lại, lại được chấp nhận vào QH trong khi ông Chủ tịch UBND tỉnh Long An lại thất cử. Nhân dân ở tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh đồn rằng: Chị em bà Yến đã chi nhiều tiền cho việc tranh cử ở Long An. Dư luận còn cho rằng khi ở Mỹ, Đặng Thị Hoàng Yến được giới cầm quyền Mỹ đứng sau. Khi về Việt Nam, bà Yến đã quan hệ thân thiết với nhiều quan chức trong chính quyền. Bà Yến được “một ông rất to” ở T.Ư giới thiệu cho tỉnh Long An giới thiệu bà ứng cử vào QH khóa XIII. Cán bộ tỉnh Long An ngậm ngùi chịu thiệt.
Tôi là một trong hàng ngàn cán bộ Long An lấy làm hổ thẹn, thực sự lo lắng và mất lòng tin vào cơ quan nhân sự của QH của ta đã để lọt một phần tử xấu vào cơ quan dân cử cao nhất. Không ai lường được sắp tới sẽ xảy ra điều gì ở QH? “Diễn biến hòa bình” là từ đây.
Để tránh hậu họa cho Đảng, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Long An - chúng tôi cũng đã sơ bộ trao đổi với nhau phải kiến nghị với T.Ư xem xét lại tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm, không để họ ở QH.
Tôi cũng xin đề nghị cơ quan tổ chức của Đảng, cơ quan công an làm rõ mối quan hệ của bà Yến ở trong nội bộ ta và điều tra về hành vi phạm pháp của bà Đặng Thị Hoàng Yến và Jimmy Trần để làm rõ mục đích chính trị họ trở lại Việt Nam.
Mọi người tán thành phải kiến nghị với cấp trên nhưng không nhất trí làm văn bản danh nghĩa cơ quan vì chính quyền tỉnh đã nhận được chỉ đạo của cấp trên rồi. Do vậy tôi viết kiến nghị này, tuy là cá nhân nhưng mang tính chất tập thể gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ĐBQH xem xét xử lý.
Tôi xin miễn ký tên. Nếu cấp trên cử cán bộ về tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh thì ai cũng biết rõ về bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm.

Chân dung Đặng Thị Hoàng Yến - ĐBQH, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo


            Ngun: Dân Làm Báo
Năm 1998, lực lượng an ninh kinh tế khá chật vật trong cuộc đấu tranh với nhiều đối tượng thuộc đường dây chạy thầu một số dự án điện (chuyên án AB98), trong đó bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến (thành lập năm 1997) là đối tượng chính, mắt xích chủ yếu của đường dây này. Qua điều tra, xác minh bà Hoàng Yến đã lập và điều hành một đường dây móc nối vào nội bộ các cơ quan Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Điện lực Việt Nam...) nhằm thu thập tin tức, tài liệu bí mật, cung cấp cho Tập đoàn nước ngoài (ABB) đấu thầu và trúng thầu một số dự án điện lớn của Việt Nam...
Vũ Phong (Báo NguoiCaoTuoi) - Sau khi Báo Người cao tuổi đăng bài "Vấn đề bạn đọc quan tâm: "Tri ân" các cụ hay mua chuộc cử tri" (số 941) và bài "Sự thật về ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến" (số 942), trưa ngày 6-8-2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến chủ động gọi điện cho Tổng biên tập Báo Người cao tuổi thông báo rằng các bài viết sai sự thật, phản ánh theo nội dung báo chí nước ngoài về bà và cho biết sẽ có luật sư đến gặp để làm rõ.
Khi Tổng biên tập Báo Người cao tuổi hỏi bà bài viết sai những gì? Bà Yến lí giải ba chi tiết. Một là, nêu quê bà ở Hải Phòng là không đúng. Bà khai quê quán ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh là nơi bà được sinh ra (sinh ở đâu khai quê ở đó). Hai là, trong đời bà chưa bao giờ biết đến vụ án nào đó như báo nêu bà từng bị khởi tố. Ba là, bà xuất cảnh đi Mỹ là được cấp VISA cùng giấy phép đầu tư nước ngoài, tại sao lại viết là trốn?...
Bà Hoàng Yến sinh ra đâu?
Trong tiểu sử tóm tắt của bà Đặng Thị Hoàng Yến (khai theo mẫu số 3/BCĐBQH) ngày 12-3-2011 được niêm yết ở các điểm bầu cử tại 4 huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và Thủ Thừa ghi quê quán: Phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh; nơi ở hiện nay: Căn 31, đường 1A, Tổ ANND 01, khu E, City Tân Đức, ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An. Ngoài các chức danh báo đã nêu, bà Hoàng Yến còn là Chủ tịch diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ; thành viên Hội đồng tư vấn các nước ASEAN - ASEAN BAC (...). Xin nói thêm, bà Yến là Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo từ năm 2007 (sau khi ở Mỹ về nước) nhưng trong tiểu sử ứng cử ĐBQH bà khai là chức vụ đó đảm nhiệm từ 1-1994 đến nay.
Trong khi Tổng biên tập Báo NCT chỉ đạo phóng viên tiếp tục xác minh, trả lời chính xác quê bà Yến thì hồi 8 giờ ngày 7-8-2011 (Chủ nhật), trong chương trình Khách mời của VTV3 do nhà báo Lại Văn Sâm dẫn chương trình, ngồi đối thoại với ông Đặng Thành Tâm (em ruột bà Đặng Thị Hoàng Yến) ĐBQH TP Hồ Chí Minh, TGĐ Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn ông Tâm được VTV 3 xác định là người giàu nhất Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán (dòng chữ chạy trên màn hình). Nhiều người cho biết, bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng có nguồn vốn "nặng kí" tại chứng khoán không kém gì em trai. Khi nhà báo Lại Văn Sâm phỏng vấn về nguồn gốc gia đình, quê hương thì ông Đặng Thành Tâm hồ hởi nói: Cha tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ là người Hải Phòng. Chị em tôi đều sinh ra ở đó (Hải Phòng).
Vậy là, đã rõ. Ông bố là cán bộ tập kết ra Bắc. Bà Yến sinh ngày 1-6-1959 mà bà khẳng định với TBT Báo Người cao tuổi rằng: Tôi sinh ra ở đâu thì khai quê quán ở đấy! Chẳng lẽ dưới thời Mỹ - Diệm, mẹ bà Yến năm 1959 vào Sài Gòn đẻ con ở quận Phú Nhuận xong lại ra Hải Phòng cho đến ngày miền Nam giải phóng?.
Nhng ai trong v án ly cp tài liu mt ca Nhà nước?
Năm 1998, lực lượng an ninh kinh tế khá chật vật trong cuộc đấu tranh với nhiều đối tượng thuộc đường dây chạy thầu một số dự án điện (chuyên án AB98), trong đó bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến (thành lập năm 1997) là đối tượng chính, mắt xích chủ yếu của đường dây này. Qua điều tra, xác minh bà Hoàng Yến đã lập và điều hành một đường dây móc nối vào nội bộ các cơ quan Nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Điện lực Việt Nam...) nhằm thu thập tin tức, tài liệu bí mật, cung cấp cho Tập đoàn nước ngoài (ABB) đấu thầu và trúng thầu một số dự án điện lớn của Việt Nam.
Cơ quan Điều tra an ninh kinh tế đã xác định các đối tượng: Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến; Lâm Minh và Nguyễn Duy Bình, nhân viên văn phòng Công ty ABB tại Việt Nam; Phạm Hữu Hòa, lái xe cho ông Võ Hồng Phúc (khi ấy là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và một số đối tượng khác. Ngày 2-3-1998, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt bí mật Nhà nước trong việc đấu thầu các dự án điện". Đồng thời bắt, khám xét, khởi tố và tạm giam 3 bị can (Lâm Minh, Nguyễn Duy Bình và Phạm Hữu Hòa) về tội nêu trên theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Hình sự; riêng Nguyễn Duy Bình có thêm hành vi phạm tội "tiêu hủy tài liệu bí mật của Nhà nước". Vụ án này thu lại được nhiều tài liệu mật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và Bộ Công nghiệp. Vào thời điểm đó, bà Hoàng Yến đã trốn (thực chất được sự can thiệp của...). Qua khai thác, cả ba bị can bị bắt đều nhận hành vi phạm tội, khai báo rõ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến móc nối, chỉ đạo, bày cách lấy cắp tài liệu mật để cung cấp cho ABB. Khi kết thúc điều tra, bà Yến và một số đối tượng bị A17 (Bộ Công an) đưa vào diện cấm xuất cảnh trong 2 năm (từ 16-10-1998 đến 16-10-2000). Sau khi Tổng cục An ninh giải tỏa lệnh cấm xuất cảnh (13-9-2000) bà Yến nỗ lực cho một kế hoạch mới để năm 2002 xuất cảnh đi Mỹ, lưu trú ở Hoa Kỳ đến năm 2007. Tại xứ người, bà Yến kết hôn với một Việt kiều Mỹ. Người này từng phạm tội trộm cắp bị cảnh sát Hoa Kỳ phạt tù một năm...
Chng ca bà Hoàng Yến là ai?
 Năm 2007 về nước, bà Hoàng Yến ngồi ngay vào ghế Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo. Năm 2008, chồng bà từ Hoa Kỳ vào Việt Nam và họ thành lập ngay Công ty CP phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land) và cùng điều hành doanh nghiệp này.
Người chồng đó của bà Yến là Trần Dũng (tức Jimmy Trần) sinh ngày 27-12-1955 quê ở Quảng Bình, Quốc tịch Mỹ, có hộ chiếu số 461772602 cấp ngày 21-9-2009. Ở bên Mỹ, ông ta cư trú ở 1440 Memorian, Houston, Texas 77024USA. Sang Việt Nam cư trú ở căn hộ số 5 tầng 20 (2005R1), chung cư Everich, số 940B đường 3/2, phường 15, quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Jimmy Trần từng bị bắt ngày 18-1-1990 tại Hu-xtơn (Tếch - dát) về tội trộm cắp, bị phạt tù 01 năm. Sang Việt Nam, Jimmy Trần làm Tổng giám đốc Công ty CP phát triển đô thị Việt Nam từ ngày 1-10-2008 đến 20-5-2010 do bà Yến kí quyết định bổ nhiệm. Trong thời gian này, Jimmy Trần đã chiếm đoạt khoảng 210 tỉ đồng của Vietnam Land và các nhà thầu khác, bằng các thủ đoạn: Buộc các nhà thầu phải đặt cọc từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng sau đó chiếm đoạt (Công ty Cà phê Cỏ May 200 triệu đồng, Công ty Hữu Nghị 100 triệu đồng...). Tại công trình nhà máy nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang), việc san lấp mặt bằng Jimmy Trần chiếm đoạt chênh lệch lên đến gần 200 tỉ đồng. Công ty CP xuất nhập khẩu xây dựng thương mại Hải Thành xác nhận khi kí hợp đồng nạo vét bùn giá 35.000 đ/ m3 yêu cầu chi lại cho ông ta 6.000 đ/ m3 (riêng hợp đồng này cũng chiếm đoạt 7,2 tỉ đồng).v.v... Jimmy Trần còn thực hiện một số hành vi phạm pháp khác như nhờ ông Ma Anh đứng tên mua căn nhà số 5 tầng 20, chung cư Everich số 940 đường 3/2 Lê Đại Hành, Quận I, TP Hồ Chí Minh, với giá hơn 4,1 tỉ đồng và đã bị ông ta chiếm đoạt...
Jimmy Trần-Chồng bà Yến
Jimmy Trần còn cùng với Tô-mát Huỳnh và Phạm Nha Thi ở Mỹ thiết lập đường dây chuyển tiền bất hợp pháp từ Việt Nam về Mỹ và ngược lại. Sau khi Công ty Vietnam Land và các nhà thầu tố giác, Jimmy Trần đã trốn về Mỹ ngày 5-7-2010 và đang bị truy nã (Quyết định truy nã số 324/ANĐT ngày 24-9-2010 của Bộ Công an).
Bà Hoàng Yến có b xúc phm danh d?
Bà Hoàng Yến kí đơn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ việc Báo Cựu chiến binh Việt Nam truyền bá nội dung phản động, xuyên tạc, vu khống xúc phạm danh dự ĐBQH... Bà cho rằng "ông Trần Nhung đã giả mạo và lợi dụng uy tín của đồng chí Tổng Bí thư để phục vụ cho ý đồ tống tiền"...
Sự thật bà Yến chi tiền tỉ để "lôi kéo và mua chuộc cử tri" ở 4 huyện của tỉnh Long An trái với Nghị quyết của UBTVQH là có thật sao lại cho là vu khống? Theo báo cáo của các ông Nguyễn Bá Luân, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Vân, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Huệ v.v... thì bà Hoàng Yến đứng ra tổ chức lễ "tri ân cán bộ lão thành cách mạng" được ông Trần Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh "duyệt" kế hoạch, đồng ý cho tổ chức ngày 29-4 (riêng lãnh đạo Tỉnh ủy không biết việc này). Ngoài 1.300 đại biểu dự (mỗi đại biểu được nhận 500.000 đồng), bà Hoàng Yến còn tổ chức trao tặng kỉ niệm chương (đặc biệt) cho rất nhiều người, chỉ riêng huyện Đức Huệ có 40 người được nhận. Trong đó có cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chỉ huy trưởng BCHQS, Trưởng Công an huyện...). Ngày 4-5-2011 Truyền hình cáp VBC của Tập đoàn Tân Tạo về đơn vị bầu cử số 1 tại xã An Ninh Đông quay chương trình bà Yến tiếp xúc cử tri có làm phỏng vấn. Theo quy định, kênh VBC của Tân Tạo chỉ được phép phát sóng chương trình ca nhạc, chiếu phim mà không có chức năng phát sóng về thời sự chính trị. Rõ ràng kênh VBC (Tân Tạo) vi phạm pháp luật. Ông Liêm, Giám đốc Đài VBC báo cáo với cơ quan An ninh điều tra việc phát sóng về thời sự có liên quan đến công tác bầu cử Quốc hội là thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn Tân Tạo nhằm mục đích làm tư liệu cho bà Đặng Thị Hoàng Yến...
Trong thời gian trước ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, bà Yến hoạt động rất tích cực ở 4 huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và Thủ Thừa. Ngoài các điểm tiếp xúc cử tri, bà về nhiều xã và hứa hẹn cho nông dân, phụ nữ vay vốn làm kinh tế, xây cầu, trường học, như ở xã Mỹ Thuận Bắc, bà Yến hứa sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng để xây cầu và nhà tình nghĩa... Tuy nhiên, cho đến kì họp Quốc hội lần thứ Nhất, bà Yến chưa cấp 8 tỉ đồng vốn XĐGN cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ 4 huyện và tiền tài trợ xây trường, làm cầu, làm nhà tình nghĩa cho địa phương nào.
Những thông tin nêu trong bài viết này là sự thật, liệu bà Đặng Thị Hoàng Yến có còn cho là vu khống?
Vũ Phong