Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin”

Nguồn: VnEconomy
Không ồn ào theo kiểu “gây sốc” song những phát biểu của ông đã nghe rồi, đọc lại vẫn thú vị. Một phần, ở sự thể hiện, và quan trọng hơn là ở sự phát hiện.
Khi Quốc hội khóa 13 đang sôi nổi thảo luận các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Chính phủ trình, ông vẫn tiếp tục băn khoăn vì chưa nhìn thấy sự đầu tư đúng mức đối với vấn đề văn hóa, xã hội và đời sống. Điều mà đã từng được ông nhìn nhận như là hạn chế trong điều hành của Chính phủ.
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12, khi thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ông đã nói: “Khi chúng ta gặp khủng hoảng về kinh tế, chúng ta có thể đầu tư để kích cầu về kinh tế, nhưng tôi chưa thấy Chính phủ kích cầu về niềm tin, về đời sống xã hội, văn hóa. Tôi cho đó là điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo”.
Đến kỳ họp này, phát biểu của ông trước diễn đàn Quốc hội vẫn thể hiện tâm tư về câu chuyện này.
Xin chào nhà sử học Dương Trung Quốc. Báo cáo đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới trình Quốc hội đã “đậm đà” về văn hóa, xã hội như ông mong đợi chưa ạ?
Có lẽ Chính phủ cũng phải tập trung quá nhiều vào việc ứng phó kinh tế, điều đó chúng ta phải có sự chia sẻ.
Nhưng cái quan trọng nhất là niềm tin của dân, nếu người dân có tin thì vẫn tin một cách rất cảm tính, cơ sở để người dân có niềm tin thực sự chưa nhiều. Tôi có cảm giác hình như Chính phủ chưa chia sẻ nhiều với dân, chưa làm tốt việc tranh thủ ý kiến của dân.
Ví dụ, gần đây Chính phủ đã nói nhiều đến việc tập hợp chuyên gia để tham khảo những ý kiến khác nhau, nhưng từ tham khảo đến thực hiện tôi cho vẫn còn khoảng cách rất lớn. Tuy nhiên mình cũng hiểu là Chính phủ phải chịu trách nhiệm, quyết định tất cả nhưng vẫn cần tranh thủ nhiều hơn nữa, vì nguồn lực trong dân còn rất nhiều.
Nguồn lực kinh tế thì Chính phủ quan tâm, nhưng nguồn lực trí tuệ thì chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi cũng là người tiếp xúc khá nhiều với các vị lão thành trong lĩnh vực kinh tế, các vị cũng nói là những điều đóng góp chưa được thể hiện nhiều trong thực tiễn đời sống. Mặc dù mình hiểu Chính phủ phải có bản lĩnh của mình, quan điểm của mình, mình rất tôn trọng việc đó, nhưng vẫn cần để dân chia sẻ nhiều hơn.
Thưa ông, xin phép được tranh luận một chút…
Để mình nói tiếp đã nhé, trở lại một vấn đề cũ thôi, cũ nhưng vẫn là mới.
Đó là việc đề cập đến hiện tượng “tụ tập đông người” mà chủ yếu mới thấy một chiều là dân bị lợi dụng, điều đó tôi e rằng sẽ dẫn đến nhận thức không đúng đắn. Phải coi đó là hiện tượng mới nảy sinh trong thực tiễn đời sống và phải tỉnh táo nhìn nhận nó.
Cách đây hơn một thập kỷ chúng ta đã chứng kiến việc nông dân ở Thái Bình biểu tình, con mắt ban đầu chúng ta cũng nhìn ra như một hình thức bạo loạn. Nhưng tôi nhớ hồi đó các nhà lãnh đạo đã rất sáng suốt tiếp cận với thực tiễn, đến tận với dân, đi vào tận cả những nơi tưởng như hiểm nguy nhất, và nhận ra rằng có cả hai mặt, để rồi chúng ta trừng trị những kẻ quá khích, những kẻ xúi giục, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy những tác động của nó như tham gia đóng góp vào công bằng xã hội hay chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương.
Nhưng với những hiện tượng xảy ra gần đây, tôi thấy chúng ta còn lúng túng, lúng túng ở lập pháp, lẫn hành pháp.
Tôi nhắc lại là chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận biểu tình như là một hiện tượng mới và tôi tin rằng nó sẽ còn phát triển trong bối cảnh đời sống ngày càng phát triển hiện nay. Nếu ta không chủ động nhìn nhận trước, phân tích nó và đưa ra những hệ thống pháp lý thích hợp cùng với tổ chức toàn bộ đời sống xã hội thì chúng ta sẽ càng lúng túng, và đó có thể là lúc những kẻ xấu lợi dụng.
Tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết không phải là bộ, ngành nào mà chính Thủ tướng đề xuất xây dựng Luật Biểu tình. Như vậy cũng có thể thấy Chính phủ đã lắng nghe ý kiến đại biểu và chủ động ứng phó?
Bản thân tôi cũng thấy đó là đáng mừng, đương nhiên người ta cũng nói là nếu Chính phủ làm luật thì có thể dẫn đến thiên về lợi ích của nhà quản lý hơn là những quyền của người dân. Cho nên tuy là Thủ tướng đề nghị xây dựng luật nhưng đây chính là thử thách của Quốc hội, Quốc hội có chấp nhận hay không, vì quy trình phải qua Quốc hội. Quốc hội là tập hợp tiếng nói của rất nhiều lực lượng xã hội nhưng quan trọng là anh có đủ bản lĩnh để điều chỉnh dự thảo luật được không, tôi cho là không cần e ngại điều đó.
Ở hoàn cảnh hiện nay, khi mà như ông nói, Chính phủ đang phải dồn lực cho các vấn đề kinh tế thì có thể sự “kích cầu” niềm tin chưa rõ nét. Nhưng nếu đây là “điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo” như ông đã phát biểu thì liệu ông có thể “hiến kế” cho Chính phủ?
“Kích cầu” niềm tin chính là quan tâm đến dân, tạo niềm tin cho dân bằng chính hành động gương mẫu của những người lãnh đạo.
Tôi luôn luôn liên tưởng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất nhiên mọi sự liên tưởng đều có thể khập khiễng, nhưng lúc đó người dân ghé vai giải quyết được rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội.
Hiện nay chúng ta thấy Chính phủ có lúc làm được, nhưng về căn bản mà nói dường như đấy chưa là chiến lược, là nguyên lý hoạt động, cho nên mới xảy ra nghịch lý là hình như lúc nào đất nước khó khăn thì quyền lực Chính phủ càng lớn, bởi vì vẫn là quan hệ xin – cho.
Vừa rồi thì Chính phủ có trình ra Quốc hội cả kế hoạch năm 2012 và 5 năm tới song hầu như tôi không tìm thấy giải pháp “kích cầu” niềm tin đâu cả.
Các báo cáo của Chính phủ năm nào cũng như năm đấy, nó rất dàn trải bằng các mục tiêu và không biết thực hiện đến đâu. Và tôi còn đặt câu hỏi rất lớn là định lượng không ai giám sát được, những con số là rất khó giám sát.
Tuy nhiên 6 tháng thì cũng  thời lượng chưa đủ dài để thay đổi về chất, nên theo tôi thì mỗi lần báo cáo nên tập trung vào một số điểm nào đó thôi và làm rõ được nó.
Tuy không có trong hệ thống chỉ tiêu được Chính phủ trình và Quốc hội quyết định hàng năm, song “chỉ tiêu niềm tin” gần đây được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến với sự quan ngại sâu sắc. Ông có chia sẻ?
Nói định lượng thì khó vì phải có phương pháp, còn nếu cảm nhận thì chúng tôi cũng cảm nhận là niềm tin bị hao hụt, mà điều này tôi nghe từ các nhà lão thành cách mạng. Đánh giá về niềm tin của người dân thì mỗi người đứng ở lợi ích khác nhau, nhưng điều tôi  muốn chia sẻ là cần làm cho người dân tin rằng là Chính phủ đã đưa ra chính sách gì là có thể thực thi được. Nhưng trên thực tế thì có nhiều chính sách có rồi mà có thực thi được đâu. Năng lực của nhà nước là quan trọng, mà chưa bao giờ  chúng ta có bộ máy nhà nước lớn như thế này, tất nhiên lớn có thể cồng kềnh và ít hiệu quả.
Tôi nói ngày xưa – tất nhiên nói ngày xưa thì khó so sánh – trong làng có ông lý trưởng, nếu dây điện đi qua làng thì sẽ tính trừ cho ông ấy bao nhiêu suất đinh hay bao nhiêu tiền thuế, còn nếu cái dây đó đứt hay bị ăn cắp thì ông lý trưởng đi tù đã. Do đó thì ông lý trưởng phải làm tất cả mọi chuyện, tất cả mối liên hệ nhà nước chỉ có một người thôi.
Trách nhiệm cá nhân rất quan trọng, nên đó là lý do tại sao tôi ủng hộ anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, không phải là việc làm cụ thể mà tôi ủng hộ cách làm của anh ấy là dám chịu trách nhiệm. Anh làm đúng thì mọi người sẽ đánh giá, còn anh làm sai anh phải chịu trách nhiệm, anh cách chức người ta đúng hay không thì anh phải chịu trách nhiệm, còn cái nguy hiểm nhất là lãnh đạo tập thể và hậu quả của tập thể, hòa cả làng.
Đương nhiên, càng ngày càng thấy Chính phủ mới là những người có tính chuyên nghiệp hơn. Nếu nhìn vào cả quá trình đào tạo và làm việc thì đã qua thời kỳ cán bộ chính trị chay rồi. Vấn đề còn lại cơ chế hoạt động thôi, mà yếu nhất vẫn là trách nhiệm cá nhân.
Mới qua thời gian rất ngắn nên cũng khó có thể đưa ra đánh giá về điều hành của Chính phủ, song tôi vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào sự điều hành của Chính phủ mới.
Vậy còn vai trò của Quốc hội thì sao, thưa ông?
Quốc hội chưa có gì thay đổi lớn về cơ chế, trừ một điều mà tôi rất muốn hy vọng là là ông Chủ tịch Quốc hội rất am hiểu Chính phủ, tôi đang quan sát xem ông ấy sẽ hành xử như thế nào, nhưng chưa có gì để nói cả vì vẫn còn mới mà.
Nguyên Thảo/VnEconomy

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

"Nói không" với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?

Đọc bài viết: “Nói không với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?” của tác giả Nguyễn Phương đăng trên (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn) và nhìn lại thực tế cuộc sống quanh ta, thật là một bài viết có nhiều điểm rất phù hợp với tình hình chung hiện nay. Xin đăng lại toàn bộ nội dung bài viết để cùng chia sẻ với mọi người.
Có phải vì hiện nay dân chúng kêu ca quá nhiều về các vấn nạn trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực do trình độ cán bộ quản lý yếu kém mà cần phải tìm cho được con dê tế thần: Đó là đào tạo dân lập và tại chức, để đổ thừa cho nó những yếu kém của hệ thống?
Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định "Hà nội không nói 'không' với tại chức, dân lập". Đúng là Thủ đô, tầm nhìn cũng có khác. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà ông lại lên tiếng. Chắc hẳn đã có ý kiến như vậy trong giới cán bộ quản lý của Hà Nội.
Thời gian sẽ là kẻ vặt lông vịt
Người dân cả nước không khỏi nghĩ ngoài Hà Nội ra, còn một số địa phương khác vẫn quẩn quanh với những chủ trương vụn vặt, đậm đà bản sắc tiểu nông hẹp hòi và thiếu dân chủ của kiểu "Đêm trước đổi mới".
Đặt ra vấn đề trên cho thấy trong hàng ngũ cán bộ quản lý của nhiều địa phương, vẫn còn những cái đầu nặng "não trạng" của thời bao cấp.
Nếu ai chủ trương như thế thì rõ ràng là vi phạm luật một cách tùy tiện và không tôn trọng luật "fair-play". Nếu cuộc đua mà ngay từ đầu, đã gạt một bên ra, để chỉ có một bên thì còn gì là cuộc đua, còn gì nữa để lựa chọn?
Tại Hà Nội, có người bảo ý kiến như thế là từ các nhà quản lý Hà Nội mới. Dù là mới hay cũ thì vẫn là Hà Nội, "trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế ... của cả nước". Có lẽ chính vì thế nên mới có lời cải chính, điều chỉnh của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Chất lượng cán bộ không hoàn toàn phụ thuộc vào loại hình đào tạo. Không thể khái quát hóa đơn giản rằng loại trường này tốt hơn loại kia. Năng lực cá nhân người học mới là yếu tố quyết định.
Các trường "quốc doanh" (tôi ưa dùng từ này) đã được báo chí và tự thân "vinh danh" nhiều rồi. Thiết nghĩ không cần phải nói thêm trong bài viết này.
Đào tạo "dân lập" ra đời khi hệ thống đào tạo công lập không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của xã hội. Còn đào tạo tại chức nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Nói một cách vắn tắt, từ "dân lập" chẳng qua là một uyển ngữ ra đời khi cơ chế chính trị- kinh tế chưa cho phép gọi đích danh nó. Nhớ lại năm trường ĐH dân lập đầu tiên ra đời, báo chí phương Tây thường gọi nó là loại trường "non-state institution", có thể hiểu là phi quốc doanh.
Ở một nước mà nhiều thập niên thuộc về cơ chế bao cấp, với mô hình trường quốc doanh thì sự chấp nhận cái phi quốc doanh không phải là sự dễ. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, chuyện đó lại là chuyện bình thường. Ta không nên quên rằng tại những nước có các trường ĐH nằm trong top-10, có nhiều trường là trường tư và có nhiều người tài từ những trường này ra. Mọi sự so sánh thường khập khiễng, nhưng nó vẫn cho ta thông tin nhất định theo một quy chiếu nào đó.
Không phải cứ sinh viên quốc doanh là tốt, không phải cứ sinh viên dân lập, tại chức là kém. Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, mỗi năm một trường "quốc doanh" chỉ được quy định tuyển số lượng sinh viên nhất định phù hợp với ngân sách nhà nước cấp cho. Do vậy, giữa thí sinh trượt và đỗ chỉ chênh nhau ¼ hoặc ½ điểm vì chỉ tiêu khống chế. Trên một bài thi cụ thể, người kém nửa điểm hoặc 1 điểm chưa chắc đã kém người hơn nửa điểm hoặc một điểm về trí lực và khả năng học tập, vì có vô vàn yếu tố khác nhau và cả sự may rủi trong cách tuyển sinh ĐH lâu nay.
Song, cũng cần phải nghiêm túc quan tâm đến hiện tượng gần đây Việt Nam được mùa trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn thấp. Tuy là trường dân lập, nhưng chắc chắn người cấp phép không thể là dân.
Một số trường có thể đã đặt lợi nhuận chứ không phải chất lượng đào tạo lên đầu, nhưng không phải tất cả các trường đều làm như vậy. Thời gian sẽ là kẻ vặt lông vịt.
Bằng cấp và thực lực
Chúng ta phải hiểu thế nào đây khi một số tỉnh thành gần đây đưa ra những đề xuất chẳng giống ai. Kiểu như nói 'không' với dân lập và tại chức.
Có phải vì hiện nay dân chúng kêu ca quá nhiều về các vấn nạn trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực do trình độ cán bộ quản lý yếu kém mà cần phải tìm cho được con dê tế thần: Đó là đào tạo dân lập và tại chức, để đổ thừa cho nó những yếu kém của hệ thống?
Những ý nghĩ hẹp hòi thiếu công bằng này cần được xã hội chấn chỉnh và kiểm soát.
Đã có quá nhiều dẫn chứng trong thực tế về sự khập khiễng giữa bằng cấp và năng lực thực ở xã hội Việt Nam hiện đại, đến nỗi một PTS tốt nghiệp bằng đỏ Đông Âu đã "Sợ đọc luận án PTS của chính mình" nên đã xin thà làm viên gạch lát đường cho bà con đi gánh lúa còn hơn ghi tên trên bia đá.
Trong quá trình làm việc và tiếp xúc, tôi biết có những sinh viên tốt nghiệp ĐH dân lập, ví dụ như ĐH Thăng Long, làm việc rất hiệu quả, thành công và được trọng dụng do khả năng của họ trong cơ quan Nhà nước.
Hay công ty nước ngoài như Microsoft VietNam, Citibank ... Theo chỗ tôi được biết, tại Microsoft VietNam, Citibank, Intel, SAT, ... đều có khá nhiều sinh viên dân lập làm việc, vậy chắc những cơ quan này đều kém?
Khi còn làm việc, tôi có những đồng nghiệp dân lập và chuyên ngành hai, tại chức lại làm việc tử tế, nghiêm túc và hiệu quả hơn một số cán bộ quốc doanh, những người thường tự cậy mình là là con đẻnên đánh mất động cơ tự làm mình tốt hơn. Tôi có cả sinh viên quốc doanh và sinh viên dân lập và thấy ở loại trường nào cũng có các cá nhân sinh viên giỏi hay kém như nhau theo cùng một thước đo.
Tuyển người bằng thước đo chẳng giống ai
Người viết bài từng chứng kiến đôi lần người ta tuyển công chức làm giáo viên ra sao rồi. Lẽ thường, ai được đồng nghiệp và sinh viên đánh giá cao về nghiệp vụ và chuyên môn sẽ trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức.
Ai cũng tưởng vậy, nhưng trớ trêu thay, họ trượt không được làm giáo viên lại không phải vì chuyên môn hay kỹ năng sư phạm, mà chỉ vì những câu hỏi vu vơ chẳng phục vụ gì cho chuyên môn hay nghề nghiệp. Vì họ đã thật thà và tự tin mà quên "chạy" người ra câu hỏi.
Cái thước đo tuyển người hiện nay của ta chẳng giống của ai. Thực tế nó đã loại những người có khả năng và tuyển những kẻ kém năng lực nhưng giỏi bôi mỡ vào tay cấp trên, bất kể đó là kẻ được quốc doanh hay dân lập đào tạo.
Đó chính là một mắt xích trong cái vòng luẩn quẩn khiến họ hành dân để "thu hồi vốn".
Người ta cứ kêu hoài về chuyện "chảy máu chất xám" nhưng đã bao giờ tự hỏi mình một câu nghiêm túc: "Thực lòng ta có cần chất xám không?" Có lẽ những người giỏi giang tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài đã tự nguyện ở lại, thậm chí nhập quốc tịch nước sở tại để cho bọn tư bản đế quốc bóc lột đã giải được câu hỏi này rồi.
Hãy xem người nước ngoài tuyển chất xám của Việt Nam thì biết. Người ta chẳng quan tâm mấy đến cái bằng ĐH hay sau ĐH của ta - dù quốc doanh hay dân lập - mà chỉ quan tâm đến con người cụ thể có làm được việc, có khả năng hợp tác với người khác hay không. Và đặc biệt có nhân cách đàng hoàng hay không. Vì thế, không phải vô cớ mà người ta hay phỏng vấn trực tiếp ứng viên xin việc.
Cần thay đổi não trạng
Sau mấy chục năm bao cấp, não trạng "quốc doanh" đã hằn sâu vào đầu không ít người. Đã qua rồi cái thời của tư duy khái quát hóa một cách thô thiển rằng cứ quốc doanh là ắt phải tốt! Hãy nhìn các doanh nghiệp quốc doanh đang làm ăn ra sao thì rõ. Nó là hình ảnh dại diện cho nhiều ngành.
Không phải cứ sinh viên quốc doanh là tốt, không phải cứ sinh viên dân lập, tại chức là kém.
Giỏi hay kém chủ yếu phụ thuộc tố chất và nỗ lực của từng cá nhân, chứ không phụ thuộc nhiều vào loại hình đào tạo, không phụ thuộc vào màu sắc tấm bằng - cái sự học là vậy.
Đừng vơ đũa cả nắm nếu thật lòng muốn tìm được người tử tế và có khả năng làm việc.

Tướng Lê Văn Cương bình về "Hiện tượng Đinh La Thăng"

Nguồn: Tuần Việt nam. Tác giả: HOÀNG HƯỜNG, 27/10/2011
Trong chiến trận có hai cách đánh: một là trực diện, hai là vu hồi, tức là đánh vòng quanh. Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi. Trong cơ chế này, phương án vu hồi xem ra hiệu quả hơn, từng khâu một, chậm mà chắc - Thiếu tướng Lê Văn Cương khuyên.
Bộ trường Bộ giao thông Đinh La Thăng có thể đang là người xứng đáng nhận được danh hiệu: Bộ trưởng nổi tiếng trong thời gian ngắn nhất. Hàng loạt động thái của ông, cũng như một loạt văn bản, kiến nghị ông vừa ban hành đang gây chú ý. Kẻ khen, người chê.
Để mong giúp Bộ trưởng Thăng có điều kiện soi chiếu về những động thái của mình, cũng như xã hội có một tiếng nói khách quan về cá  nhân ông Thăng nói riêng và một vài vấn đề xã hội nói chung, Tuần Việt Nam trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.
Tỉnh táo và thực tế
Báo chí và dư luận đang được dịp ồn ào với 'hiện tượng Đinh La Thăng', hẳn thiếu tướng cũng biết. Ông có nhận định gì về tân Bộ trưởng Giao thông, cũng như một loạt động thái đang gây chú ý của ông ấy?
Trước hết, dù có nhiều luồng dư luận khác nhau về ông Thăng, nhưng quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ ông ấy.
Thứ nhất, trong điều kiện xã hội hiện nay còn nhiều bức bách, nhức nhối, chất chứa nhiều vấn đề bức xúc như hiện nay thì chuyện đồng chí Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng công khai thể hiện quan điểm và ý chí hành động ở một loạt vấn đề - tôi cho rằng - là những động thái tích cực. Nó khơi gợi và củng cố niềm tin vào bộ máy quản lý của Nhà nước. Dưới góc độ này tôi ủng hộ và mong muốn hơn 20 bộ trưởng còn lại cũng thể hiện như ông Thăng.
Thứ hai, 'hiện tượng Đinh La Thăng' chỉ ra rằng: không phải bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, xã hội đã tích dồn rất nhiều vấn đề bức xúc đến độ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những nhân tố mới, tích cực hơn nhằm tích cực tháo gỡ.
Về mặt khoa học, sự tích dồn khi đến một độ nào đó sẽ chuyển sang một trạng thái khác thì dù là một cá nhân đơn lẻ, vẫn có thể phản ánh xu hướng mới của một xã hội, cụ thể đây là Nhà nước Việt Nam, là nhận thức mới của Đảng. Điều này thể hiện rõ tại Hội nghị Trung ương Đảng III vừa rồi, đã thẳng thắn hơn trước và tiếp cận gần tới tinh thần của Đại hội 6 là nhìn thẳng vào sự thật; và lần đầu tiên tại Hội nghị TW Tổng bí thư phê phán lối 'tư duy nhiệm kỳ' và tệ 'lợi ích nhóm' trong bộ máy công quyền.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, những vấn đề ông Thăng nêu ra sẽ không thể đạt được nhanh chóng. Bởi lẽ, đến giờ phút này Đinh La Thăng chỉ là thiểu số. Hơn nữa cơ chế của ta đã trì trệ cả chục năm rồi, rất nặng nề níu kéo. Một người nổi lên khó mà lay chuyển được.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
Chúng ta ủng hộ ông Thăng, nhưng nên tỉnh táo và thực tế đánh giá tình hình. Nói cho cùng ông Thăng chỉ là một bộ trưởng, muốn hay không muốn bộ trưởng cũng chỉ có một số quyền hạn nhất định, rất nhiều vấn đề nằm ở chỗ khác; và ngay trong nội bộ Bộ giao thông.
Tôi ủng hộ ông Thăng. Tôi cũng chia sẻ những khó khăn của ông ấy. Ông ấy sẽ vấp rất nhiều cản trở. Muốn làm những điều tốt đẹp như ông ấy mong muốn là cả một chặng đường lâu dài, và là một quá trình đau đẻ rất nặng nề; nhưng dù sao đó cũng là những đột phá ban đầu, mở ra hy vọng mới cho một thời kỳ mới.
Không thể nào 'đẻ' mà không đau
Chính phủ vừa bắt đầu một nhiệm kỳ. Cùng với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Tài chính Vương Đinh Huệ với những quan điểm mạnh mẽ về nhóm lợi ích trong thị trường xăng dầu cũng làm người dân phấn chấn. Nhiều người gọi ông Thăng - Huệ là "thế hệ bộ trưởng mới" và kỳ vọng nhiều vào họ. Nhưng như ông vừa phân tích, những ông Thăng - Huệ liệu có vượt qua cơn 'đau đẻ' khó nhọc này?
Đúng là khi nhiệm kỳ này bắt đầu, ngoài hai ông Thăng - Huệ còn có một số bộ trưởng khác cũng được dư luận cho là có những dấu hiệu tích cực.
Cuộc sống luôn có những lối đi riêng không có lực lượng nào cản trở được. Những người này là những nhân tố mới, xu hướng mới, tư tưởng mới. Ở chừng mực nào đó có thể nói đây là những nhân cách mới. Nó báo hiệu rằng đã có sự chuyển mình sau Đại hội 11, rải rác từ những cá nhân, quá trình này sớm muộn cũng sẽ lan tỏa và trở thành phổ biến.
Trở lại những năm 1980s, trong bối cảnh bao cấp nặng nề, những đốm lửa như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của ông ấy. Không có quá trình 'đau đẻ' nào không đau đớn.
Tôi không dám so sánh ông Thăng - Huệ với những người như ông Kim Ngọc, nhưng dù sao họ cũng là những đốm lửa. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới với cái cũ, và sẽ còn kéo dài, theo tôi cũng phải mất 1 - 2 kỳ Đại hội Đảng chứ không thể diễn ra đơn giản trong 1 nhiệm kỳ.
Ông có thể nêu nhận xét thẳng thắn về những bộ trưởng trước, theo ông, phẩm chất cần có của một bộ trưởng trong thời điểm này là những gì?
Có thể tôi hơi cầu toàn, nhưng thật tình, đến trước Đại hội 11, không có một bộ trưởng nào để lại cho tôi một ấn tượng tích cực. Tôi không nói tất cả họ là yếu kém nhưng bảo  họ để lại ấn tượng tích cực thì tôi không yên tâm.
Bộ nào thì cuối năm tổng kết cũng hoan hô, "chúng ta tiến một bước", hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc. Bộ Giao thông cũng vậy. Các con đường thì vẫn thế, tai nạn giao thông vẫn thế, ùn tắc vẫn vậy, hết Văn Thánh 1 sang Văn Thánh 2 rồi đến đường sắt cao tốc... tổng kết lại gắn huy chương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đố ai tìm được một bộ nào tổng kết cuối năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Nhất thiết phải xuất hiện những con người phản ánh được những xu thế phản biện tích cực. Anh Huệ, anh Thăng cũng không phải những con người gì toàn diện, siêu việt ghê gớm nhưng họ phản ánh một xu thế mới tích cực.
Tôi tin dần dần chúng ta sẽ có những thế hệ bộ trưởng dám nói dám làm, với bàn tay sạch, trí tuệ cao; mà trí tuệ bộ trưởng không nằm ở chỗ ông ta giỏi chuyên môn thế nào, mà ông ta biết tập hợp những người tài giỏi trong bộ máy của mình. Nhìn vào đội ngũ cố vấn, cán bộ chuyên môn của các bộ trưởng có thể thấy được vận của đất nước.
Một người trợ lý của của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi: "Các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề: Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế; hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao; ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy; và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng"
Làm sao hơn 20 vị bộ trưởng, 63 vị bí thư tỉnh ủy của ta làm được những việc như thế.
Nếu tôi ở cương vị ông Đinh La Thăng...
Bên cạnh những lời khen ngợi, loạt động thái của Bộ trưởng Thăng: trảm tướng giữa công trường, bắt nhân viên đi xe buýt, đòi tiêu hủy xe đua, cấm xe cá nhân lưu hành... bị cho là "ngẫu hứng bộp chộp", "thích thể hiện". Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu chiến lược, ông hãy vạch giúp ông Thăng một lộ trình. Hay nói cách khác, nếu đặt ông vào cương vị ông Thăng hiện nay, ông sẽ làm những gì?
Trước đây cũng có một đồng chí ở địa phương lên phụ trách một bộ. Đây là một người có đầu óc, ông ta muốn cải cách những cái mới, tốt đẹp hơn. Tôi rất mừng, nhưng khi ông ngồi ghế bộ trưởng thì tôi nghĩ ngay ông ấy sẽ không thực hiện được những ý định tốt đẹp đó, thậm chí sẽ rơi vào cực đoan. Bộ máy trì trệ sẽ cản trở ông ấy trong việc thực hiện cải cách.
Hơn nữa, tôi không nói tất cả, nhưng những người như vậy dễ rơi vào cực đoan. Họ rất đáng quý trọng, nhưng mọi việc không thể sốt ruột giải quyết được theo kiểu " chiến dịch", "ra quân"... được.
Ở Việt Nam chỉ có thể tìm ra từng nút rối để gỡ chứ không thể rũ tung ra làm lại để trở thành một mớ rối hơn, trừ khi anh là Putin.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
Nếu đặt tôi vào cương vị ông Thăng hiện nay, tôi phải đi tìm lời giải đáp cho 4 vấn đề sau: 1, Điểm "nghẽn" hay "nút thắt" của giao thông hiện nay nằm ở đâu. Nguyên nhân? Giải pháp? 2, Vì không thể có tiềm lực để cùng một lúc giải quyết mọi vấn đề nên phải xây dựng lộ trình và bước đi khả quan, hiệu quả. Tôi sẽ huy động mọi chuyên gia có tài ở trong và ngoài Bộ giao thông giúp tôi lý giải 2 vấn đề nêu trên. Đây là việc đầu tiên và quan trọng nhất Bộ trưởng Bộ Giao thông cần làm.
Tất cả các câu hỏi này đòi hỏi phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để tìm hiểu và giải quyết từng việc một.
Việt Nam đang thiếu nhất là trí tuệ chứ không phải là tiền, vì tiền ở trí tuệ mà ra. Anh Vương Đình Huệ dù có tâm huyết thật, thì anh ấy cũng đang ở giữa một cơ chế phức tạp rất khó giải quyết, mà Bộ trưởng Tài chính thì có được bao nhiêu quyền?
Trong chiến trận có hai cách đánh: một là trực diện, hai là vu hồi, tức là đánh vòng quanh. Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi. Trong cơ chế này, phương án vu hồi xem ra hiệu quả hơn, từng khâu một, chậm mà chắc.
Tôi đố ông Thăng giải quyết được vấn đề xe buýt trong ngày một ngày hai. Tôi cũng đố ông Thăng cấm được phương tiện cá nhân trong nhiệm kỳ của ông ấy. Chưa nói đó là quyết định cực đoan, chắc chắn bị xã hội bác bỏ như hàng loạt những kiến nghị kiểu ngày chẵn đi biển chẵn hay xe ngoại tỉnh không vào Hà Nội đã từng được đề cập trước đây.
Thành phố Hồ Chí Minh có 3414 xe buýt và hơn 5000 taxi cũng chỉ giải quyết được 4,5% lượng vận tải hành khách công cộng. Nếu cấm phương tiện cá nhân thì 95% dân TP HCM sẽ đi lại như thế nào? Ra lệnh cấm xe tư nhân thì dễ, nhưng sẽ bị xã hội bác bỏ.
Nếu không cẩn thận, ông Thăng sẽ rơi vào cái bẫy cực đoan do chính mình dựng lên.
Ở Việt Nam không làm cái gì nhanh được khi anh là thiểu số. Tôi đã nói với nhiều người: Việt Nam không  phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển.
Ông Huệ - Thăng phải biết rõ các ông ấy đang ở đâu, và văn phòng của các ông ấy không phải điện Kremlin hay Nhà Trắng.
Chắc vì thế có người đã nhắn nhủ đến bộ trưởng Đinh La Thăng câu: "Con đường dài nhất không phải từ Lạng Sơn đến Cà Mau, mà là từ mồm đến tay".
Câu đó đúng đấy. Tôi cũng xin nhắn tới ông Thăng một câu: "Trong cuộc đời, đôi khi đường thẳng lại là đường dài nhất, và đường vòng là đường ngắn nhất"
Xin cảm ơn thiếu tướng!