Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

"Nói không" với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?

Đọc bài viết: “Nói không với tại chức hay cần tìm con dê tế thần?” của tác giả Nguyễn Phương đăng trên (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn) và nhìn lại thực tế cuộc sống quanh ta, thật là một bài viết có nhiều điểm rất phù hợp với tình hình chung hiện nay. Xin đăng lại toàn bộ nội dung bài viết để cùng chia sẻ với mọi người.
Có phải vì hiện nay dân chúng kêu ca quá nhiều về các vấn nạn trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực do trình độ cán bộ quản lý yếu kém mà cần phải tìm cho được con dê tế thần: Đó là đào tạo dân lập và tại chức, để đổ thừa cho nó những yếu kém của hệ thống?
Ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định "Hà nội không nói 'không' với tại chức, dân lập". Đúng là Thủ đô, tầm nhìn cũng có khác. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà ông lại lên tiếng. Chắc hẳn đã có ý kiến như vậy trong giới cán bộ quản lý của Hà Nội.
Thời gian sẽ là kẻ vặt lông vịt
Người dân cả nước không khỏi nghĩ ngoài Hà Nội ra, còn một số địa phương khác vẫn quẩn quanh với những chủ trương vụn vặt, đậm đà bản sắc tiểu nông hẹp hòi và thiếu dân chủ của kiểu "Đêm trước đổi mới".
Đặt ra vấn đề trên cho thấy trong hàng ngũ cán bộ quản lý của nhiều địa phương, vẫn còn những cái đầu nặng "não trạng" của thời bao cấp.
Nếu ai chủ trương như thế thì rõ ràng là vi phạm luật một cách tùy tiện và không tôn trọng luật "fair-play". Nếu cuộc đua mà ngay từ đầu, đã gạt một bên ra, để chỉ có một bên thì còn gì là cuộc đua, còn gì nữa để lựa chọn?
Tại Hà Nội, có người bảo ý kiến như thế là từ các nhà quản lý Hà Nội mới. Dù là mới hay cũ thì vẫn là Hà Nội, "trung tâm văn hóa, giáo dục, kinh tế ... của cả nước". Có lẽ chính vì thế nên mới có lời cải chính, điều chỉnh của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Chất lượng cán bộ không hoàn toàn phụ thuộc vào loại hình đào tạo. Không thể khái quát hóa đơn giản rằng loại trường này tốt hơn loại kia. Năng lực cá nhân người học mới là yếu tố quyết định.
Các trường "quốc doanh" (tôi ưa dùng từ này) đã được báo chí và tự thân "vinh danh" nhiều rồi. Thiết nghĩ không cần phải nói thêm trong bài viết này.
Đào tạo "dân lập" ra đời khi hệ thống đào tạo công lập không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của xã hội. Còn đào tạo tại chức nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Nói một cách vắn tắt, từ "dân lập" chẳng qua là một uyển ngữ ra đời khi cơ chế chính trị- kinh tế chưa cho phép gọi đích danh nó. Nhớ lại năm trường ĐH dân lập đầu tiên ra đời, báo chí phương Tây thường gọi nó là loại trường "non-state institution", có thể hiểu là phi quốc doanh.
Ở một nước mà nhiều thập niên thuộc về cơ chế bao cấp, với mô hình trường quốc doanh thì sự chấp nhận cái phi quốc doanh không phải là sự dễ. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, chuyện đó lại là chuyện bình thường. Ta không nên quên rằng tại những nước có các trường ĐH nằm trong top-10, có nhiều trường là trường tư và có nhiều người tài từ những trường này ra. Mọi sự so sánh thường khập khiễng, nhưng nó vẫn cho ta thông tin nhất định theo một quy chiếu nào đó.
Không phải cứ sinh viên quốc doanh là tốt, không phải cứ sinh viên dân lập, tại chức là kém. Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, mỗi năm một trường "quốc doanh" chỉ được quy định tuyển số lượng sinh viên nhất định phù hợp với ngân sách nhà nước cấp cho. Do vậy, giữa thí sinh trượt và đỗ chỉ chênh nhau ¼ hoặc ½ điểm vì chỉ tiêu khống chế. Trên một bài thi cụ thể, người kém nửa điểm hoặc 1 điểm chưa chắc đã kém người hơn nửa điểm hoặc một điểm về trí lực và khả năng học tập, vì có vô vàn yếu tố khác nhau và cả sự may rủi trong cách tuyển sinh ĐH lâu nay.
Song, cũng cần phải nghiêm túc quan tâm đến hiện tượng gần đây Việt Nam được mùa trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn thấp. Tuy là trường dân lập, nhưng chắc chắn người cấp phép không thể là dân.
Một số trường có thể đã đặt lợi nhuận chứ không phải chất lượng đào tạo lên đầu, nhưng không phải tất cả các trường đều làm như vậy. Thời gian sẽ là kẻ vặt lông vịt.
Bằng cấp và thực lực
Chúng ta phải hiểu thế nào đây khi một số tỉnh thành gần đây đưa ra những đề xuất chẳng giống ai. Kiểu như nói 'không' với dân lập và tại chức.
Có phải vì hiện nay dân chúng kêu ca quá nhiều về các vấn nạn trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực do trình độ cán bộ quản lý yếu kém mà cần phải tìm cho được con dê tế thần: Đó là đào tạo dân lập và tại chức, để đổ thừa cho nó những yếu kém của hệ thống?
Những ý nghĩ hẹp hòi thiếu công bằng này cần được xã hội chấn chỉnh và kiểm soát.
Đã có quá nhiều dẫn chứng trong thực tế về sự khập khiễng giữa bằng cấp và năng lực thực ở xã hội Việt Nam hiện đại, đến nỗi một PTS tốt nghiệp bằng đỏ Đông Âu đã "Sợ đọc luận án PTS của chính mình" nên đã xin thà làm viên gạch lát đường cho bà con đi gánh lúa còn hơn ghi tên trên bia đá.
Trong quá trình làm việc và tiếp xúc, tôi biết có những sinh viên tốt nghiệp ĐH dân lập, ví dụ như ĐH Thăng Long, làm việc rất hiệu quả, thành công và được trọng dụng do khả năng của họ trong cơ quan Nhà nước.
Hay công ty nước ngoài như Microsoft VietNam, Citibank ... Theo chỗ tôi được biết, tại Microsoft VietNam, Citibank, Intel, SAT, ... đều có khá nhiều sinh viên dân lập làm việc, vậy chắc những cơ quan này đều kém?
Khi còn làm việc, tôi có những đồng nghiệp dân lập và chuyên ngành hai, tại chức lại làm việc tử tế, nghiêm túc và hiệu quả hơn một số cán bộ quốc doanh, những người thường tự cậy mình là là con đẻnên đánh mất động cơ tự làm mình tốt hơn. Tôi có cả sinh viên quốc doanh và sinh viên dân lập và thấy ở loại trường nào cũng có các cá nhân sinh viên giỏi hay kém như nhau theo cùng một thước đo.
Tuyển người bằng thước đo chẳng giống ai
Người viết bài từng chứng kiến đôi lần người ta tuyển công chức làm giáo viên ra sao rồi. Lẽ thường, ai được đồng nghiệp và sinh viên đánh giá cao về nghiệp vụ và chuyên môn sẽ trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức.
Ai cũng tưởng vậy, nhưng trớ trêu thay, họ trượt không được làm giáo viên lại không phải vì chuyên môn hay kỹ năng sư phạm, mà chỉ vì những câu hỏi vu vơ chẳng phục vụ gì cho chuyên môn hay nghề nghiệp. Vì họ đã thật thà và tự tin mà quên "chạy" người ra câu hỏi.
Cái thước đo tuyển người hiện nay của ta chẳng giống của ai. Thực tế nó đã loại những người có khả năng và tuyển những kẻ kém năng lực nhưng giỏi bôi mỡ vào tay cấp trên, bất kể đó là kẻ được quốc doanh hay dân lập đào tạo.
Đó chính là một mắt xích trong cái vòng luẩn quẩn khiến họ hành dân để "thu hồi vốn".
Người ta cứ kêu hoài về chuyện "chảy máu chất xám" nhưng đã bao giờ tự hỏi mình một câu nghiêm túc: "Thực lòng ta có cần chất xám không?" Có lẽ những người giỏi giang tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài đã tự nguyện ở lại, thậm chí nhập quốc tịch nước sở tại để cho bọn tư bản đế quốc bóc lột đã giải được câu hỏi này rồi.
Hãy xem người nước ngoài tuyển chất xám của Việt Nam thì biết. Người ta chẳng quan tâm mấy đến cái bằng ĐH hay sau ĐH của ta - dù quốc doanh hay dân lập - mà chỉ quan tâm đến con người cụ thể có làm được việc, có khả năng hợp tác với người khác hay không. Và đặc biệt có nhân cách đàng hoàng hay không. Vì thế, không phải vô cớ mà người ta hay phỏng vấn trực tiếp ứng viên xin việc.
Cần thay đổi não trạng
Sau mấy chục năm bao cấp, não trạng "quốc doanh" đã hằn sâu vào đầu không ít người. Đã qua rồi cái thời của tư duy khái quát hóa một cách thô thiển rằng cứ quốc doanh là ắt phải tốt! Hãy nhìn các doanh nghiệp quốc doanh đang làm ăn ra sao thì rõ. Nó là hình ảnh dại diện cho nhiều ngành.
Không phải cứ sinh viên quốc doanh là tốt, không phải cứ sinh viên dân lập, tại chức là kém.
Giỏi hay kém chủ yếu phụ thuộc tố chất và nỗ lực của từng cá nhân, chứ không phụ thuộc nhiều vào loại hình đào tạo, không phụ thuộc vào màu sắc tấm bằng - cái sự học là vậy.
Đừng vơ đũa cả nắm nếu thật lòng muốn tìm được người tử tế và có khả năng làm việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét